Trứng vịt lộn là món ăn dân dã khá quen thuộc và được rất nhiều người yêu thích. Hàm lượng dưỡng chất trong trứng vịt lộn rất dồi dào chính vì thế mà nhiều thai phụ thường tận dụng để bồi bổ sức khỏe, tránh tình trạng suy nhược khi mang thai. Vậy bà bầu có ăn được trứng vịt lộn không? Để giải đáp được thắc mắc trên thì bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Nội dung tóm tắt
Bà bầu có ăn được trứng vịt lộn không?
Trứng vịt lộn rất tốt cho bà bầu, bổ sung nhiều dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là năng lượng cần thiết. Bà bầu có nên ăn trứng vịt lộn không? Câu trả lời là có. Ăn trứng vịt lộn có tốt không? Trứng vịt lộn có rất nhiều lợi ích, cụ thể là:
>> Xem thêm: BÀ BẦU CÓ ĐƯỢC ĂN NGẢI CỨU KHÔNG?
– Bổ sung sắt khi mang thai
Hàm lượng sắt trong trứng vịt lộn còn nhiều hơn trứng gà, vì vậy mẹ bầu có thể ăn trứng vịt lộn giúp phòng ngừa thiếu sắt, thiếu máu trong thai kỳ. Ăn trứng vịt lộn cũng giúp mẹ giảm được tình trạng hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi do thiếu máu gây nên.
– Bổ sung vitamin A
Vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là phát triển các cơ quan như tim, phổi, gan, thận, mắt và hệ thần kinh trung ương. Trong trứng vịt lộn có nhiều vitamin A tự nhiên, mẹ bầu ăn tốt cho thai nhi.
– Bổ sung canxi
Trong 1 quả trứng vịt lộn có chứa khoảng 82mg canxi. Canxi cần thiết cho sự phát triển xương khớp của thai nhi cũng như giúp mẹ phòng tránh được các chứng bệnh xương khớp do thiếu canxi gây nên.
– Bổ sung năng lượng và khoáng chất thiết yếu
Trong 1 quả trứng vịt lộn có chứa khoảng 182 kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipid, 82 mg canxi và các vitamin A, B, C… rất cần thiết cho mẹ bầu, giúp duy trì dinh dưỡng, năng lượng, tăng sức đề kháng.
Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn như thế nào là tốt?
Với những thông tin trên thì ta thấy được, ăn trứng vịt lộn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trứng vịt lộn dành cho mẹ bầu sử dụng cần phải được vệ sinh sạch sẽ và nấu chín kỹ, đồng thời việc ăn trứng cũng phải lưu ý một số điều dưới đây:
- Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thai phụ chỉ nên ăn khoảng 2 quả trứng vịt lộn/tuần. Để thai nhi có thể phát triển một cách tốt nhất và tăng cân nhanh chóng thì vào những tháng cuối của thai kỳ mẹ có thể ăn nhiều hơn là 4 trứng/tuần.
- Thời điểm ăn trứng vịt lộn tốt nhất trong ngày là buổi sáng, đồng thời khi đã ăn trứng vịt lộn thì bạn cũng nên hạn chế bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều đạm trong ngày. Nên hạn chế ăn trứng vịt lộn vào buổi tối, lượng đạm nếu không được tiêu hóa hết sẽ gây đầy hơi, trướng bụng rất khó chịu.
- Khi ăn trứng vịt lộn bạn cũng nên chú ý cân bằng dưỡng chất nạp vào từ các loại thực phẩm khác. Nếu đã ăn trứng vịt lộn, mẹ bầu cũng cần phải hạn chế nạp thêm vitamin A cho cơ thể, nếu bị thừa vitamin A khi mang thai sẽ gây nguy hiểm đến sự hình thành và phát triển của thai nhi.
- Những bà bầu bị dọa sảy thai, từng có tiền sử sảy thai hoặc thai nhi phát triển bất thường thì tuyệt đối không được ăn kèm trứng vịt lộn với rau răm. Đối với những mẹ bầu bị thừa cân trước thai kỳ hoặc đang bị tăng cân mất kiểm soát thì cũng nên hạn chế ăn trứng vịt lộn.
- Không ăn trứng vịt lộn nếu thai phụ mắc các bệnh lý về gan, bệnh thận, bị cao huyết áp hoặc đang bị sốt. Không nên ăn kèm trứng vịt lộn với các gia vị như ớt, tỏi, nhiều muối,… để tránh bị nóng trong, đầy bụng hoặc khó tiêu.
Trứng vịt lộn là thực phẩm giàu dưỡng chất và đặc biệt tốt đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa đủ, không nên quá làm dụng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.